Hoa thiên lý - loài hoa mang lại nhiều lợi ích về mặt thẩm mỹ, ẩm thực và cả đối với sức khỏe con người. Bạn yêu thích nét đẹp của loài hoa này và mong muốn thiết kế giàn hoa thiên lý “xịn sò” trong khu vườn nhà mình? Cùng công ty cây xanh chúng tôi đọc bài viết để có biết được cách trồng và chăm sóc giàn hoa thiên lý chuẩn nhất để hoa nở quanh năm nhé!
Thiên lý thuộc họ dây leo, chính vì vậy, để có thể trồng thành công loại cây này, chúng ta cần phải chuẩn bị một giàn dây leo thật chắc chắn. Điều này giúp chúng bám vào, sinh trưởng và phát triển. Đây được cho là một khâu vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc cây có thể cho ra một vụ hoa đẹp hay không.
Quy trình chuẩn bị một giàn hoa thiên lý không quá khó và mất thời gian. Vấn đề mà bạn cần phải quan tâm chính là chất liệu làm và kích thước của giàn. Thông thường, người ta sẽ chọn giàn gỗ hoặc giàn bằng sắt. Cả hai đều có giá trị về mặt thẩm mỹ như nhau, nhưng giàn sắt có ưu điểm là giá cả rẻ và dễ tìm mua hơn giàn gỗ. Về kích thước của giàn, bạn cần có những con số cụ thể cho chiều cao, độ rộng và khoảng cách các giàn để đảm bảo tính thẩm mỹ cho giàn hoa.
Nếu chỉ trồng giàn hoa thiên lý với mục đích dùng hoa để chế biến thành các món ăn và bài thuốc thì nhiều người không quá quan trọng về vấn đề thẩm mỹ. Nhưng với nhiều hộ gia đình, họ muốn tận dụng nét đẹp của hoa để trang trí cho sân nhà thì cần cân nhắc mọi thứ một cách kỹ lưỡng nhất, kể cả hình dạng của giàn.
Hiện nay, có rất nhiều mẫu giàn hoa đẹp. Nếu thích phong cách cổ điển, mang hơi hướng cổ tích, có thể chọn kiểu giàn vòm. Kiểu này vừa có thể tận dụng làm cổng nhà, vừa có thể cung cấp hoa cho trang trí và ẩm thực. Nếu thích không gian mát mẻ, các thành viên có thể quây quần dưới bóng mát, hãy chọn giàn vuông xung quanh khu vườn.
Khi tạo giàn, cần chú ý độ chắc chắn của các cọc, đảm bảo rằng chúc sẽ chắc chắn, không đổ và chịu được sức nặng của giàn. Nên thiết kế thành những giàn nhỏ, mỗi giàn cách nhau từ 1 - 2m để tiện chăm sóc hơn.
Bạn chưa biết cách trồng hoa thiên lý? Dưới đây là các bước chi tiết cùng những điểm lưu ý trong quá trình trồng:
Thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch là lúc thích hợp nhất để trồng cây hoa thiên lý. Lúc này, thời tiết mát mẻ, trời không quá nắng và lượng mưa cũng không quá nhiều. Nhờ đó, cây có khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Thiên lý ưa ánh sáng, không kén đất, rất dễ trồng. Người trồng chỉ cần chú ý tới việc duy trì độ ẩm, cân bằng lượng nước tưới mỗi ngày là cây có thể tăng trưởng và cho hoa thường xuyên. Lưu ý rằng nên tạo giàn ở nơi thoáng đãng, không bị rợp bởi những bóng cây khác để chúng có đủ ánh sáng cho việc sinh trưởng.
Thông thường, người ta sử dụng dây lươn và dây thân của cây mẹ để tiến hành ươm giống cây. Dây thân thường khỏe hơn, tỷ lệ sống cao hơn. Giống cây cần được lựa chọn kỹ càng, được cắt từ những thân cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Giống không được quá già hoặc quá non, độ dài của mỗi hom là từ 5 - 7cm. Sau thời gian ươm giống, khi thấy giống cây đã đạt tới độ dài từ 30 - 50cm, có hơn 5 mắt là đã có thể đem trồng.
Trước khi trồng, cần xử lý đất tại hố trồng thật kỹ bằng cách dùng vôi để loại bỏ mầm mống sâu bệnh. Tiếp đó nên dùng thêm một ít phân chuồng đã ủ hoai mục để tạo nguồn dinh dưỡng ban đầu cho cây. Mỗi hố sâu khoảng 40cm, rộng khoảng 1m, chúng cần được đào sát với trụ của giàn, vì khi lớn lên, chúng sẽ bám theo giàn từ vị trí này.
Cắt phần đáy cả bầu đất, lưu ý không cắt phần rễ của cây. Tiếp đó dùng một đường dao rạch phần thân bầu, gỡ bỏ bao ni lông và từ từ đặt giống cây xuống đất. Dùng đất lấp lại và ấn nhẹ xuống để cố định vị trí.
Cuối cùng là tưới một lượng nước vừa phải cho cây. Trong trường hợp nhiều hộ gia đình không thể trồng trực tiếp xuống đất, có thể trồng trong chậu. Tuy nhiên, phải chọn chậu có kích thước lớn và cần chăm bón kỹ càng hơn.
Để hoa thiên lý có thể nở quanh năm, người trồng cần áp dụng một lộ trình chăm sóc theo từng giai đoạn nhất định. Trước tiên, việc duy trì độ ẩm cho cây một cách ổn định là vô cùng quan trọng. Vào mùa khô, cần tưới cây đều đặn 5 -7 ngày/lần. Vào mùa mưa, cần giảm lượng nước tưới để tránh cây bị ngập úng.
Khi cây bắt đầu leo giàn, cần bấm những chồi yếu, không có khả năng phát triển và chỉ để lại một dây chính. Tiến hành bấm ngọn theo từng đợt để tạo các cấp tán. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu cần phải bảo vệ những chồi non, tránh bị côn trùng cắn phá hoặc gió mạnh làm gãy.
Để cây phát triển tốt và cho nhiều hoa, mỗi tháng người trồng cần bổ sung từ 5 - 10kg phân chuồng. Ngoài ra, nên bón thêm phân NPK định kỳ 3 tháng/lần để cây có đủ dinh dưỡng. Để cây vẫn có thể nở hoa vào mùa đông, chúng ta có thể áp dụng phương pháp thắp đèn để kích thích ra hoa. Mỗi đêm nên thắp từ 5 - 6 tiếng, theo các khung giờ từ 7 - 11 giờ đêm và 3 - 5 giờ sáng.
Cây hoa thiên lý là một loại cây rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Đặc biệt là thời điểm cây cho hoa, chúng sẽ có nguy cơ bị sâu bọ bám vào hoa. Với mật độ thấm, người trồng có thể xử lý bằng tay hoặc dùng chổi lông loại bỏ chúng. Trong trường hợp sâu bệnh và rệp sáp đã quá dày đặc, có thể sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhân cần tuân thủ theo khuyến cáo của chuyên gia để bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn.
Xem thêm: THƯ GIÃN NGAY TẠI NHÀ VỚI GIÀN HOA LEO BAN CÔNG
Trên đây là cách trồng và chăm sóc cây hoa thiên lý. Thông qua bài viết, hy vọng bạn đã có đủ kiến thức cơ bản nhất để thiết kế cho gia đình mình một giàn hoa thiên lý thật đẹp và có khả năng cho hoa quanh năm nhé!