Cách trồng và chăm sóc cây thiên môn đông trong nhà
Một trong những loại cây cảnh thường được nhiều người lựa chọn trồng trong nhà, trên ban công và trước nơi làm việc là cây thiên môn đông. Dù mang nét đẹp mộc mạc, dịu dàng nhưng đây là loại thực vật có thể tạo cảm giác thư giãn cho người nhìn, hơn nữa còn có nhiều công dụng trong đông y.
Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết này để biết cách trồng và chăm sóc loại thực vật này trong nhà nhé.
1. Đôi nét về cây thiên môn đông:
Cây thiên môn đông hay còn có tên là cây thiên đông, minh thiên đông hay dóc tóc tiên, tóc tiên leo, co sin sương, sùa sú tùng, mằn săm, dù mào siam, tùy theo từng dân tộc ở Việt Nam. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ Măng tây (Asparagaceae), với tên khoa học là ASPARAGUS COCHINCHINENSIS (Lour.).
Cây có chiều cao khoảng 15 đến 20 cm, rất nhỏ nhắn, dạng thân thảo, có màu xanh lục, thân dạng cọng khi vừa nhú măng. Tuy nhiên sau khi trồng được khoảng 20 ngày, cây có dạng thân đứng và cụp xuống vì nhiều lá. Lá cây ngắn, nhỏ, dạng lá kim, mọc so le hoặc mọc vòng thành từng chùm tạo nên tán dày. Nhìn từ xa đôi khi bạn có thể dễ liên tưởng đến một số loại rêu.
Hoa thiên môn đông có màu trắng, khoảng 1 đến 3 cái mọc từ nách lá. Quả cây thiên đông là quả mọng hình cầu có màu xanh và chuyển sang màu đỏ sau khi chín. Hạt cây có màu đen.
Quả mọng hình cầu có màu đỏ khi chín
Cây ra hoa vào tháng 5 đến tháng 7 và kết quả trong khoảng tháng 8 đến tháng 10.
Đây là loại cây mọc hoang ở nhiều vùng đá vôi và vùng ven biển, vùng cây bụi, thường được trồng làm cảnh.
Vì có màu xanh lục đẹp mắt và chiếm diện tích nhỏ nên có nhiều bạn trẻ hiện nay hay chọn loại cây cảnh này để trồng trong nhà, thường đặt trong các lẵng nhỏ treo trên cao để tạo ấn tượng. Hoặc bạn có thể trồng trong chậu đứng, thậm chí là trồng trong nước hoặc trên đất thành những bụi nhỏ.
Ngoài ra thiên môn đông còn có tác dụng trong đông y khi nhiều bộ phận của loài thực vật này có thể dùng làm thuốc.
2. Công dụng của cây thiên môn đông:
- Dùng để làm cây cảnh:
Cây thiên môn đông được trồng làm cảnh ở nhiều nơi, có thể làm cây để bàn có diện tích tiết kiệm vì có kích thước khá nhỏ. Nhưng tùy theo người chăm sóc mà có thể phát triển mạnh hơn và trồng ở những vùng rộng rãi.
- Dùng làm thuốc:
Thiên môn đông là một vị thuốc nhiều công dụng trong đông y, từ chữa bệnh đến làm đẹp.
Thiên môn có vị ngọt đắng, tính đại hàn, được dùng để dưỡng âm, nhuận táo, thanh nhiệt. Là bài thuốc chữa bệnh ho dai dẳng, thổ huyết, sốt, khô cổ, nhiệt miệng, táo bón, tiêu khát (đái tháo đường). Ngoài ra còn có thể chữa suy nhược thần kinh.
Bộ phận được dùng là rễ và củ. Rễ và củ của cây thiên môn đông được thu hoạch vào mùa đông, xuân, từ khoảng tháng 10, với những cây mọc trên 2 năm. Sau khi đào về thì rửa sạch, đồ qua, lúc rễ còn nóng thì bóc vỏ và bỏ lõi, tẩm rượu. Sau đó phơi hoặc sấy khô.
3. Cách trồng và chăm sóc cây thiên môn đông trong nhà:
Minh thiên đông không phải là loại thực vật khó trồng và chăm sóc.
Bạn có thể gieo hạt hoặc tách bụi tùy theo ý thích. Thường thì nhân giống bằng hạt có tỷ lệ thành công thấp hơn nên nhiều người hay lựa chọn phương pháp tách bụi.
Đây là loại thực vật không khó trồng và chăm sóc
Người trồng lựa chọn những bụi to, nhiều nhánh và không bị sâu bệnh để nhân giống. Khi tách thì cần nhẹ nhàng để không bị đứt rễ.
Bạn dùng hỗn hợp đất trộn với tro và phân để trồng cây. Đổ đầy một nửa chậu và đặt bụi thiên môn đông và giữa rồi phủ thêm đất. Sau đó để ở nơi râm mát hoặc có mái che. Không nên tưới ngay sau khi trồng và đợi đến ngày thứ 2 mới tưới.
Thiên môn đông là loại cây ưa sáng nhưng không cần quá gắt vì thế bạn treo ở hành lang rất phù hợp. Nếu đặt trong phòng thì cần mang cây ra phơi nắng 1 đến 2 lần trong tuần, đặt khoảng 30 phút.
Bạn tưới nước sạch cho cây 1 lần 1 ngày nhưng không cần dùng quá nhiều. Nên nhớ nếu bạn dùng nước máy thì cần để bên ngoài một thời gian rồi mới dùng tưới cây, nhất là loại nước có độ phèn cao.
Bạn có thể dùng phân chuồng, dynamic và NPK pha loãng để thúc đẩy cây phát triển nhanh hơn.
Dù thiên môn đông không phải là loại cây dễ bị mắc sâu bệnh nhưng bạn cũng nên lưu ý cắt tỉa nếu có phát hiện bị sâu, bọ trĩ hay bị đen lá.
4. Thiên môn đông mang lại nhiều ấn tượng khác nhau với cách trồng riêng biệt:
Cây thiên đông khi ra nhiều lá thường rủ xuống nên tạo ấn tượng mong manh và nhẹ nhàng. Bạn dùng một chậu treo hoặc lẵng cây để đặt ở trên cao sẽ tạo nên cảm giác dễ dịu và thư thái.
Nhưng nếu cây phát triển mạnh hơn, bạn có thể trồng trong những chậu cao sẽ tạo nên ấn tượng sang trọng và quý phái.
Chính vì tạo nên những cảm giác khác nhau cho người thưởng thức mà thiên môn đông vẫn luôn là một trong những sự lựa chọn lý tưởng cho những người yêu thích trang trí cây cảnh trong nhà.
Để biết thêm chi tiết về mua bán hoa chậu treo tường, các loại cây cảnh và cách chăm sóc, cách trang trí chúng trong văn phòng, mời các bạn vui lòng liên hệ với Hoàng Nguyên Green.